Nội dung trong bài:
- Spaced Repetition là gì?
- Cơ sở khoa học của Spaced Repetition
- Tại sao nên áp dụng Spaced Repetition vào học ngoại ngữ?
- Cách áp dụng hiệu quả phương pháp Spaced Repetition
Spaced Repetition là gì?
Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng) là một phương pháp học tập dựa trên nguyên tắc lặp lại thông tin theo khoảng thời gian tối ưu để tăng cường trí nhớ dài hạn. Thay vì học và ôn tập một cách dồn dập, Spaced Repetition giúp bạn ghi nhớ hiệu quả bằng cách nhắc lại kiến thức vào những thời điểm quan trọng trước khi bạn quên. Đây là kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, giúp cải thiện từ vựng, ngữ pháp và khả năng giao tiếp một cách bền vững.
Cơ sở khoa học của Spaced Repetition
Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng) có nguồn gốc từ các nghiên cứu về trí nhớ và đường cong lãng quên của nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus vào cuối thế kỷ 19. Ông phát hiện ra rằng con người quên thông tin theo một quy luật có thể dự đoán được. Vì thế nếu ôn tập lại đúng thời điểm trước khi quên, thì khả năng ghi nhớ sẽ tăng lên đáng kể.
Cụ thể, bộ não con người có xu hướng quên đi thông tin theo thời gian nếu không được ôn tập lại. Đây là một cơ chế tự nhiên giúp não bộ lọc ra những thông tin không quan trọng để tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa khả năng tiếp nhận dữ liệu mới.
Cơ chế này được Hermann Ebbinghaus minh hoạ qua đường đường cong lãng quên (Forgetting Curve). Đường cong này cho thấy:
- Ngay sau khi học, chúng ta có thể nhớ được gần 100% thông tin.
- Sau 20 phút, khoảng 40% thông tin đã bị quên.
- Sau 1 giờ, tỷ lệ quên có thể lên đến 50%.
- Sau 1 ngày, có thể quên 70% thông tin nếu không được ôn tập lại.
- Sau 1 tuần hoặc lâu hơn, chỉ còn lại khoảng 10-20% kiến thức nếu không được củng cố.
Cách hiệu quả nhất để chống lại đường cong lãng quên chính là Spaced Repetition (Lặp lại ngắt quãng). Khi một thông tin được ôn tập lại ngay trước khi nó bị quên, bộ não sẽ nhận diện nó là thông tin quan trọng, từ đó tiếp tục giữ thông tin đó trong bộ nhớ. Dần dần, sau mỗi chu kỳ ôn tập, đường cong sẽ thoải dần, thể hiện thông tin được lưu trữ trong trí nhớ lâu hơn. Khi lặp lại đủ nhiều, các kiến thức đó sẽ được lưu trữ vào trí nhớ dài hạn.
Dựa trên nghiên cứu của Ebbinghaus, vào những năm 1930, C. A. Mace đã đề xuất rằng việc phân bổ thời gian ôn tập có thể cải thiện việc học. Tuy nhiên, mãi đến năm 1972, nhà khoa học nhận thức Sebastian Leitner mới phát triển một hệ thống thực tế để ứng dụng Spaced Repetition, gọi là Hệ thống hộp Leitner. Đây là phương pháp sử dụng thẻ ghi chú (flashcards) và di chuyển chúng giữa các hộp theo mức độ thành thạo của người học.
Ngày nay, phương pháp này trở thành một công cụ không thể thiếu trong việc học ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, và nhiều lĩnh vực khác như y học, khoa học, và lập trình.
Khi thực hiện Spaced Repetition, có 2 cách thường được sử dụng
- Lặp lại theo chu kỳ không đổi: tức là khoảng cách giữa hai lần ôn tập sẽ cách đều nhau. Ví dụ, cứ cách 2 ngày bạn ôn tập lại các kiến thức đã học một lần. Nếu bạn học một danh sách từ vựng vào thứ hai, bạn sẽ ôn tập lại từ vựng đó vào thứ năm và Chủ nhật của tuần đó. Lần ôn tiếp theo cách lần ôn trước 2 ngày và đều đặn như vậy cho đến khi bạn đã nhớ toàn bộ kiến thức.
- Lặp lại theo chu kỳ giãn dần: với cách này, các khoảng cách giữa các chu kỳ học sẽ không đều nhau. Ví dụ, sau khi nạp kiến thức, lần ôn tập đầu tiên sẽ cách đó 1 ngày, lần ôn tập thức 2 cách lần ôn tập thứ nhất 2 ngày, lần ôn tập tiếp theo cách lần trước 4 ngày. Cứ càng về sau, chu kỳ sau sẽ cách chu kỳ trước xa hơn để tăng thử thách cho bộ não, nhờ thế tăng hiệu quả ghi nhớ

Tại sao nên áp dụng Spaced Repetition vào học ngoại ngữ?
Khi học tiếng Anh hay bất cứ một ngôn ngữ nào, lặp lại là điều kiện cần thiết để bạn có thể thành thạo nó. Chỉ khi lặp lại, bạn mới có thể ghi nhớ được cách viết, cách phát âm và nghĩa của một từ. Phản xạ nhanh với ngôn ngữ và sự trôi chảy cũng là một kết quả của việc lặp đi lặp lại nhiều lần từ, cụm từ cấu trúc câu. Đó là lý do khi nghe bất cứ ai nó “how are you” bạn biết phải trả lời rằng I’m fine, thanh you vì đây là cấu trúc bạn đã nghe đi nghe lại cả trăm lần khi bắt đầu học tiếng Anh.
Vì thế, Spaced Repetition là cách hiệu quả nhất để bạn học ngoại ngữ, vì nó tận dụng được quy tắc hoạt động của não bộ. Tuy nhiên, việc học ngoại ngữ theo phương pháp Spaced Repetition cũng có một số hạn chế nhất định như sau:
- Không hiệu quả nếu không sử dụng đúng cách
Phương pháp này yêu cầu sự kiên trì và tính kỷ luật cao. Nếu bạn không tuân theo lịch trình ôn tập hoặc bỏ qua các buổi ôn, hiệu quả ghi nhớ sẽ giảm đi.
- Không giúp hiểu sâu ngữ nghĩa và cách sử dụng từ trong ngữ cảnh
Học từ vựng theo Spaced Repetition thường tập trung vào ghi nhớ nghĩa đơn giản của từ mà không đi sâu vào cách sử dụng từ trong ngữ cảnh thực tế. Điều này có thể dẫn đến tình trạng học thuộc lòng nhưng không biết cách áp dụng từ vào câu, dẫn đến việc sử dụng sai ngữ cảnh khi nói hoặc viết.
- Không phải phương pháp lý tưởng để học kỹ năng viết và ngữ pháp nâng cao
Mặc dù có thể áp dụng Spaced Repetition để học cấu trúc ngữ pháp, từ vựng nhưng phương pháp này không thể thay thế việc luyện viết và thực hành thực tế. Việc ghi nhớ quy tắc ngữ pháp không đồng nghĩa với việc có thể sử dụng chúng một cách linh hoạt trong câu. Nếu chỉ dựa vào Spaced Repetition mà không luyện tập sử dụng, từ vựng có khả năng trở thành passive vocab (từ vựng thụ động), tức là bạn chỉ hiểu chứ không dùng chúng tự nhiên và trôi chảy được.
- Có thể gây nhàm chán và thiếu sáng tạo
Spaced Repetition chủ yếu dựa vào việc ôn tập lặp đi lặp lại, có thể khiến người học cảm thấy nhàm chán nếu không kết hợp với các phương pháp học khác. Điều này dễ dẫn đến mất động lực học tập.
Tuy nhiên, nếu bạn biết vận dụng Spaced Repetition một cách phù hợp, các hạn chế nêu trên sẽ không phải là vấn đề. Vậy làm thế nào để khắc phục những điểm yếu của nó. Dưới đây là một quy trình học hiệu quả mà bạn có thể tham khảo.
Cách áp dụng hiệu quả phương pháp Spaced Repetition
Quy trình này bao gồm 4 bước. Ví dụ, bạn cần học 10 từ vựng IELTS chủ đề Education sau:
Từ vựng | Loại từ | Nghĩa tiếng Việt | Ví dụ câu tiếng Anh (Dịch nghĩa) |
---|---|---|---|
Curriculum | Noun | Chương trình học | The school has recently updated its curriculum to include more practical subjects. (Trường học gần đây đã cập nhật chương trình học để bao gồm nhiều môn học thực tiễn hơn.) |
Compulsory | Adjective | Bắt buộc | In most countries, primary education is compulsory. (Ở hầu hết các quốc gia, giáo dục tiểu học là bắt buộc.) |
Higher education | Noun | Giáo dục bậc cao (ĐH, CĐ) | Many students choose to pursue higher education abroad. (Nhiều sinh viên chọn theo đuổi giáo dục bậc cao ở nước ngoài.) |
Vocational training | Noun | Đào tạo nghề | Vocational training programs help students develop practical skills for specific jobs. (Các chương trình đào tạo nghề giúp sinh viên phát triển kỹ năng thực tiễn cho công việc cụ thể.) |
Literacy rate | Noun | Tỷ lệ biết chữ | The literacy rate in developed countries is generally very high. (Tỷ lệ biết chữ ở các nước phát triển thường rất cao.) |
Distance learning | Noun | Học từ xa | Distance learning has become more popular due to technological advancements. (Học từ xa đã trở nên phổ biến hơn nhờ vào sự phát triển của công nghệ.) |
Tuition fees | Noun | Học phí | Many students struggle to afford tuition fees at prestigious universities. (Nhiều sinh viên gặp khó khăn trong việc chi trả học phí tại các trường đại học danh tiếng.) |
Drop out | Verb | Bỏ học | He had to drop out of university due to financial difficulties. (Anh ấy phải bỏ học đại học vì khó khăn tài chính.) |
Scholarship | Noun | Học bổng | She was awarded a full scholarship to study in the UK. (Cô ấy đã nhận được học bổng toàn phần để du học tại Anh.) |
Academic performance | Noun | Thành tích học tập | Parental support plays a crucial role in a child’s academic performance. (Sự hỗ trợ từ cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong thành tích học tập của trẻ.) |
Bước 1: Nạp từ vựng
Để khắc phục việc Spaced Repetition khiến bạn học từ vựng, ngữ pháp tách rời ngữ cảnh, ngay từ khi nạp từ, ngoài học nghĩa bạn nên tra cứu và ghi chú đầy đủ cả nghĩa, ví dụ cách dùng và phát âm của nó như bảng bên trên. Các bạn có thể sử dụng các câu chuyện, trải nghiệm thực tế của bạn để đặt câu. Ngoài ra, bạn thậm chí nên gõ từ vựng đó lên Google Image để xem các hình ảnh minh hoạ. Việc này giúp bạn xây dựng nên các kết nối cá nhân đối với từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mà bạn đang học. Bộ não thích những thông tin như vậy và có xu hướng lưu giữ chúng lâu hơn.
Ví dụ, bạn học từ Distance learning. Thay vì câu ví dụ trên, bạn nhớ đến khoảng thời gian phải học ở nhà trong thời gian giãn cách vì COVID-19 và tự viết cho mình một câu ví dụ khác: During the COVID-19 lockdown, I mainly engaged in distance learning, which I found quite boring and ineffective.
Bước 2: Thiết lập Leitner System để ôn tập
Như đã đề cập bên trên, Leitner System là một hệ thống giúp tối ưu hóa việc ghi nhớ thông tin theo phương pháp Spaced Repetition, bằng cách sử dụng thẻ ghi nhớ (flashcards). Vậy cụ thể hệ thống này hoạt động thế nào.
Trước tiên, bạn cần chuẩn bị dụng cụ:
- Chuẩn bị thẻ ghi nhớ (flashcards): Mỗi thẻ ghi nhớ có một câu hỏi ở một mặt và câu trả lời ở mặt còn lại. Ví dụ bạn ghi từ tiếng Anh và câu ví dụ ở 1 mặt, nghĩa, cách phát âm ở mặt còn lại.
- Các hộp ôn tập: Bạn cần 3-5 hộp để phân loại các thẻ theo mức độ nhớ. Mỗi một hộp bạn gắn cho nó một chu kỳ ôn tập khác nhau tuỳ theo mức độ ghi nhớ. Ví dụ với 3 hộp:
Hộp | Mức độ ghi nhớ | Tần suất ôn tập |
---|---|---|
Hộp 1 | Mới học, chưa nhớ | Mỗi ngày |
Hộp 2 | Nhớ một phần | 2-3 ngày một lần |
Hộp 3 | Nhớ tốt | 5-7 ngày một lần |
Cách vận hành:
- Ban đầu, bạn để tất cả các thẻ từ vựng vào Hộp 1.
- Quy tắc ôn tập theo hộp
- Bạn lấy thẻ ở 1 hộp nhìn vào từ vựng/ngữ pháp ở một mặt và trả lời thông tin ở mặt còn lại là gì.
- Nếu bạn trả lời đúng, thẻ sẽ được chuyển sang hộp tiếp theo.
- Nếu bạn trả lời sai, thẻ sẽ quay trở về hộp 1
Giả sử bạn đang học từ “literacy rate” (Tỷ lệ biết chữ) trong list trên
- Bạn ghi từ “literacy rate” và câu ví dụ ở một mặt; nghĩa và phiên âm ở mặt còn lại.
- Ban đầu, từ này sẽ nằm trong Hộp 1 và bạn sẽ ôn tập mỗi ngày.
- Nếu bạn trả lời đúng thông tin của mặt bên kia, từ sẽ được chuyển sang Hộp 2. Tức là 2-3 ngày sau bạn mới cần ôn tập nó.
- Nếu tiếp tục nhớ đúng, từ này vào Hộp 3, bạn chỉ cần ôn sau 5-7 ngày.
- Nếu bạn cách phát âm và nghĩa của nó, thẻ sẽ quay lại Hộp 1, để đảm bảo bạn ôn tập lại thường xuyên hơn.

Đây là cách tối ưu để bạn học Spaced Repetition vì nó giúp bạn không cần ôn tập từ vựng mỗi ngày, chỉ cần tập trung vào các từ sắp quên. Nó giống như một trò chơi để bạn hào hứng hơn khi học. Bạn có thể không cần phải dùng flashcard mà chỉ cần các list từ vựng, sau đó áp dụng phương pháp tương tự.
Ví dụ, bạn chia vở ghi chép thành 5 phần, các phần đóng vai trò như những chiếc hộp. Hộp 1 sẽ được trình bày ghi đầy đủ như list từ vựng bên trên. Mỗi lần ôn tập, bạn che các cột 2,3,4 đi và nhớ lại các thông tin đó. Nếu nhớ, bạn chỉ cần ghi từ tiếng Anh đó vào phần tiếp theo của quyển vở, nếu không nhớ bạn highlight từ đó lên để tiếp tục học vào ngày tiếp theo theo lịch.
Tuy nhiên, 2 cách thủ công này sẽ khá cồng kềnh với nhiều dụng cụ. Đồng thời, bạn sẽ cần chuẩn bị thêm 1 kế hoạch học tập chi tiết xem ngày nào ôn tập những hộp nào và theo sát lịch trình đó để đảm bảo lặp lại đúng thời gian. Việc này sẽ hơi tốn thời gian và đòi hỏi bạn cần rất kiên trì.
Để giúp việc học dễ dàng hơn, bạn nên sử dụng Google Sheet hoặc Exel để dễ di chuyển từ giữa các cấp độ nếu bạn học theo list từ vựng. Mỗi tab mới sẽ là một cấp độ. Nếu bạn thích học theo flashcard, bạn có thể dùng các app điện thoại như MochiVocab để giúp bạn quản lý các từ vựng cần học một cách tự động.
Ứng dụng MochiVocab có một tính năng đặc biệt là thời điểm vàng, sẽ dựa vào lịch sử học tập của bạn để tính toán khi nào bạn quên từ vựng đó và gửi thông báo nhắc nhở bạn vào ôn tập. Các từ vựng bạn học cũng sẽ được chia thành 5 cấp độ tương tự như 5 chiếc hộp Leitner, với chu kỳ học khác nhau. Tất cả đều sẽ được tự động hoá, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là vào app, ôn tập và trả lời câu hỏi ôn tập. Nhờ đó, bạn có thể học đến 1000 từ vưng/tháng theo Spaced Repetition một cách dễ dàng, nhẹ nhàng và tiết kiệm thời gian hơn. Ngoài ra, các flashcard trên MochiVocab còn tích hợp luôn cả âm thanh, hình ảnh và ví dụ nên sẽ sinh động hơn flashcard thường, đồng thời việc vừa nghe phát âm vừa nhìn vào mặt chữ giúp bạn kết nối thông tin dạng chữ và âm thanh. Điều này sẽ hỗ trợ bạn tốt hơn khi luyện nghe tiếng Anh.



Bước 3: Ôn tập chất lượng
Nếu bước 2 giúp bạn ghi nhớ được các thông tin về từ vựng, cấu trúc một cách hiệu quả và tối ưu thì bước 3 quyết định khả năng vận dụng từ đó của bạn. Bước này cần diễn ra đồng thời mỗi lần bạn ôn tập một từ vựng. Thay vì chỉ nhớ lại thông tin ở mặt bên kia của flashcard, bạn có thể làm bài tập vận dụng, đồng thời viết/nói luôn một câu mới với từ vựng đó.
Ví dụ, nếu bạn lưu trữ từ vựng trên Google Sheet, bạn có thể học như sau:
- Lần đầu ôn tập (hộp 1): bạn nhìn các từ trong sheet này và đọc to nó lên thật chuẩn, đồng thời nhớ nghĩa của nó trong đầu. Nếu nhớ và đọc đúng chuyển nó lên sheet 2
- Lần 2 ôn tập (hộp 2): Dán hết các từ vựng trong sheet này lên chat GPT và yêu cầu nó đưa ra cho mình các bài tập điền từ cho các từ vựng này
- Lần 3 ôn tập (hộp 3): Bên cạnh mỗi từ viết 1 câu, copy và dán các câu đó vào chat GPT và yêu cầu nó nhận xét đã sử dụng từ đúng ngữ cảnh hay chưa.
Nếu bạn sử dụng app MochiVocab, mỗi lần ôn tập app sẽ cho bạn làm các câu hỏi vận dụng điền từ vào chỗ trống, nghe phát âm và viết lại…thay vì chỉ lật flashcard như lần học đầu tiên. Các bài tập sẽ khó dần phụ thuộc vào cấp độ độ ghi nhớ. Do đó, bạn không cần phải tự tìm bài tập nữa, chỉ cần mở app ra và học. Tuy nhiên, sau khi app hiện đáp án, bạn vẫn nên tự đặt một câu mới với từ vựng đó để tăng khả năng vận dụng từ.



Trong trường hợp bạn dùng Flashcard và vở thủ công, bạn có thể gõ thủ công list từ vựng vào chat GPT như dùng Google Sheet, hoặc tự đặt câu mới ở bất cứ lần ôn tập nào.
Học theo 3 bước như vậy sẽ giúp bạn tối ưu hoá nhất hiệu quả của Spaced Repetition và khắc phục được các nhược điểm của nó.
Trên đây là tất cả những gì bạn cần biết về Spaced Repetition. Hy vọng sau bài viết này, bạn đã biết cách áp dụng nó vào việc học ngoại ngữ của mình.