Cách học tiếng Anh

Literature Review là gì? Cách viết Literature Review hay nhất

Trong một bài nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh, Literature Review là một phần quan trọng không thể thiếu. Trong bài viết dưới đây, MochiMochi sẽ giải thích Literature Review là gì và hướng dẫn bạn cách để viết một bài Literature Review hay nhất nhé!

Nội dung trong bài:


I. Literature Review là gì? Vai trò của Literature Review

Literature Review là tổng quan cơ sở lý thuyết. Đây là một phần không thể thiếu và được đặt ở đầu trong các bài nghiên cứu khoa học, luận văn, báo cáo nghiên cứu.

Literature Review là phần mà bạn sẽ thu thập, tổng hợp, phân tích và đánh giá các tài liệu nghiên cứu khoa học đã được công bố trước đó liên quan đến một đề tài hoặc chủ đề cụ thể. Nó cung cấp cái nhìn tổng quan về đề tài bạn đang nghiên cứu, giúp bạn xác định được nguồn tài liệu, lý thuyết liên quan tới bài nghiên cứu; các phương pháp nghiên cứu và những hạn chế còn tồn tại của các nghiên cứu trước đó.

Một nghiên cứu khoa học buộc phải có phần Literature Review. Bởi nó có những vai trò vô cùng quan trọng dưới đây:

  • Cung cấp nền tảng kiến thức, tổng quan những nghiên cứu liên quan đến đề tài được đề cập.
  • Xây dựng một khung lý thuyết và lựa chọn phương pháp luận phù hợp cho nghiên cứu dựa trên những kết quả nghiên cứu trước đó.
  • Giúp người viết nắm bắt được những gì đã được nghiên cứu về đề tài đó, từ đó trang bị cho mình những cơ sở lý thuyết, các khái niệm liên liên quan, những điều gì đã được biết đến về đề tài đó, và cả những điều còn hạn chế hay chưa được nghiên cứu. 
  • Củng cố thêm mối tương quan giữa các nghiên cứu khác nhau liên quan đến đề tài và giá trị của nó với bài nghiên cứu đang được thực hiện.
  • Giúp người viết xác định lý do cần tiến hành nghiên cứu thêm và giải quyết những hạn chế của nghiên cứu trước đó.
  • Giúp người viết tránh lặp lại, sao chép, đạo văn những bài nghiên cứu đã công bố trước đó.

II. Các loại Literature Review phổ biến

Tùy thuộc vào mục đích cho từng đề tài nghiên cứu khác nhau nhưng thông thường sẽ có các loại Literature Review sau:

  • Traditional/Narrative Literature Review 

Đây là loại Literature Review phổ biến nhất, thường được dùng để xác định và đánh giá các tài liệu đã có về một đề tài. Loại này sẽ dùng những phương pháp tường thuật để tìm ra các phát hiện mới có liên quan đến đề tài nghiên cứu. 

  • Systemic Literature Review 

Đây là nghiên cứu tổng quan, được dùng để tìm kiếm, thẩm định và tổng hợp bằng chứng nghiên cứu bằng cách trả lời những câu hỏi nghiên cứu cụ thể và có tính hệ thống. Nó đảm bảo tính khách quan và đáng tin cậy hơn so với cách thông thường là chỉ tóm tắt nghiên cứu.

  • Meta-synthesis Literature Review 

Loại Literature Review này thường được sử dụng trong các nghiên cứu định tính, không sử dụng số liệu. Nó sẽ đánh giá và phân tích những phát hiện mới rút ra từ những bài nghiên cứu. 

  • Meta-analysis Literature Review 

Đây là loại nghiên cứu tổng quan kết hợp thống kê số liệu và lọc các kết quả hoặc các phát hiện có được từ các nghiên cứu định lượng.

  • Scoping Literature Review

Loại tổng quan nghiên cứu này sẽ đánh giá phạm vi tiềm năng của tài liệu nghiên cứu về một đề tài hoặc chủ đề cụ thể.


III. Hướng dẫn cách viết Literature Review

literature review là gì

Nếu bạn là sinh viên, nhà nghiên cứu hay làm các công việc trong ngành nghiên cứu, viết Literature Review là kỹ năng rất cần thiết. MochiMochi sẽ hướng dẫn bạn cách viết Literature Review theo từng bước dưới đây.

Bước 1 – Tìm kiếm tài liệu liên quan

Trước khi tìm kiếm các tài liệu, bạn cần xác định rõ đề tài mà bạn nghiên cứu là gì. Thông thường khi làm tổng quan cơ sở lý thuyết, bạn sẽ tìm kiếm các tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu của mình. Quá trình đó được thực hiện như sau:

  • Tạo danh sách từ khóa

Đầu tiên, hãy lập một danh sách từ khóa liên quan đến câu hỏi nghiên cứu của bạn. Danh sách bao gồm khái niệm, các thuật ngữ, các từ đồng nghĩa,… Bạn có thể tạo một file excel để theo dõi, lưu trữ, tra cứu và thêm các từ khóa mới mà bạn khám phá được trong quá trình tìm kiếm tài liệu của mình.

  • Tiến hành tìm kiếm các tài liệu

Sau khi có danh sách các từ khóa, bạn hãy dùng chúng để tìm các tài liệu nghiên cứu. Một số nguồn uy tín mà bạn có thể tham khảo để tìm kiếm tài liệu như thư viện trường đại học, Google scholar, JSTOR, EBSCO, Project muse (tài liệu cho nghiên cứu khoa học xã hội), Medline (tài liệu cho nghiên cứu khoa học đời sống và y sinh học), EconLit (tài liệu cho nghiên cứu vật lý, kỹ thuật và khoa học máy tính)

Trong quá trình tìm kiếm bạn có thể đọc phần tóm tắt (abstract) của bài nghiên cứu để biết được nội dung cơ bản và để xem bài viết đó có liên quan đến đề tài của bạn không. Hoặc bạn có thể tra cứu phần tài liệu tham khảo dưới mỗi bài nghiên cứu để tìm các tài liệu liên quan khác. Cách này sẽ giúp bạn tìm kiếm dễ dàng hơn.

Bước 2 – Đánh giá và lựa chọn nguồn

  • Đánh giá sự phù hợp của tài liệu

Việc đọc hết tất cả những tài liệu nghiên cứu về đề tài của bạn là điều gần như không thể. Vì vậy bạn cần có sự đánh giá xem nguồn tài liệu nào phù hợp nhất với câu hỏi nghiên cứu bạn đặt ra. Để đánh giá được, bạn cần xác định những điều sau:

  • Nghiên cứu phải đến từ nguồn uy tín.
  • Bài nghiên cứu này đang trả lời câu hỏi hay giải quyết vấn đề gì?
  • Các khái niệm chính được tác giải định nghĩa như thế nào?
  • Các phương pháp nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, cơ sở lý luận là gì?
  • Khung lý thuyết được thiết lập như thế nào?
  • Cách tiếp cận của bài nghiên cứu có sáng tạo không?
  • Kết quả và kết luận của nghiên cứu.
  • Nghiên cứu này có mối tương quan (xác nhận, bổ sung, thách thức) gì với các nghiên cứu khác trong cùng lĩnh vực không?
  • Điểm mạnh và hạn chế của nghiên cứu.
  • Ghi chú và trích dẫn nguồn tài liệu

Trong khi đọc và đánh giá tài liệu tham khảo, bạn cũng nên bắt đầu quá trình viết. Đồng thời, hãy ghi chú luôn các tài liệu này để dễ hệ thống, dễ lưu trữ và tiện lưu vào danh sách tài liệu tham khảo (references). 

Lưu ý: bạn nên tổng hợp các thông tin trích vào một file và theo dõi nguồn trích dẫn để tránh đạo văn.

Bước 3 – Xác định đề tài, tranh luận và khoảng trống nghiên cứu

Sau khi đã thực hiện các bước tìm kiếm và đánh giá nguồn tài liệu, bước tiếp theo bạn hãy đảm bảo rằng mình đã hiểu sự liên kết và mối liên hệ giữa các bài nghiên cứu mà bạn đã chọn. Dựa trên những thông tin đó, bạn có thể xác định:

  • Các xu hướng và mô hình (về lý thuyết, phương pháp hoặc kết quả): cách tiếp cận đó sẽ trở nên phổ biến hay trở nên ít đi.
  •  Chủ đề nghiên cứu: Khái niệm, vấn đề nghiên cứu nào có tần suất xuất hiện nhiều.
  • Tranh luận: các tài liệu nghiên cứu đó có sự mâu thuẫn ở đâu.
  • Các nghiên cứu then chốt: có nghiên cứu nào mang tính đột phá, làm thay đổi hướng tiếp cận của chủ đề này không.
  • Khoảng trống nghiên cứu: nghiên cứu này có lỗ hổng hay hạn chế nào không.

Bước này sẽ giúp bạn hệ thống lại thông tin và lên dàn ý cho bài Literature Review của mình, đồng thời giúp bạn xác định được điểm mới trong đề tài mà bạn nghiên cứu.

Bước 4 – Lập dàn ý bài Literature Review

Tùy vào tính chất của đề tài nghiên cứu, bạn sẽ có những cách lên dàn ý khác nhau cho một bài nghiên cứu. Bạn có thể tham khảo những cách lên dàn ý dưới đây:

  • Theo thời gian (Chronological) 

Cách lên dàn ý đơn giản nhất là triển khai theo tiến trình thời gian. Tuy nhiên, thay vì chỉ đơn thuần liệt kê và tóm tắt các nguồn, bạn có thể phân tích sâu hơn các xu hướng, điểm đột phá và những mâu thuẫn bạn tìm được khi tìm hiểu về một chủ đề. Hãy đưa ra góc nhìn cá nhân của bạn về nguyên nhân và cách thức dẫn đến vấn đề này.

  • Theo chủ đề (Thematic) 

Sau khi xác định được chủ đề chính xuất hiện nhiều lần, bạn có thể chia bài tổng quan cơ sở lý thuyết thành các phần nhỏ, mỗi phần tập trung vào một khía cạnh riêng của chủ đề đó. Điều này sẽ giúp bài viết có cấu trúc rõ ràng và dễ theo dõi hơn.

  • Theo phương pháp luận (Methodological) 

Cách này được áp dụng trong trường hợp bạn so sánh các kết quả và kết luận rút từ các cách tiếp cận khác nhau với cùng một chủ đề. 

Có cách phương pháp luận sau:

  • Nghiên cứu định tính và định lượng.
  • Nghiên cứu thực nghiệm và lý thuyết.
  • Nghiên cứu mang tính xã hội học, lịch sử và văn hóa.
  • Theo lý thuyết (Theoretical) 

Tổng quan nghiên cứu là nền tảng vững chắc để bạn xây dựng một khung lý thuyết toàn diện cho nghiên cứu của mình. Thông qua việc phân tích các lý thuyết, mô hình và định nghĩa đã có, bạn có thể đánh giá và tranh luận về sự phù hợp của các cách tiếp cận lý thuyết khác nhau. Từ đó, xác định được những khoảng trống nghiên cứu và đưa ra những giả thuyết nghiên cứu mới.

Bước 5 – Viết bài Literature Review

Tương tự các dạng bài viết khác, một bài Literature Review gồm 3 phần:

  • Mở bài

Đoạn mở đầu sẽ nêu rõ trọng tâm và mục đích của Literature Review.

  • Thân bài (nội dung chính)

Bạn có thể chia Literature Review thành các tiểu mục dựa trên cách lên dàn ý đã được đề cập ở bước trên. Mỗi phần nhỏ sẽ có tiêu đề, phương pháp tiếp cận khác nhau nhưng vẫn phải đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ. 

Bạn có thể tham khảo những điều sau để viết thân bài:

  • Tóm tắt những nội dung chính và kết quả của từng nghiên cứu.
  • Phân tích các nghiên cứu và diễn giải thêm nghiên cứu của mình nếu có, đi sâu vào các phát hiện mới, điểm quan trọng liên quan đến đề tài.
  • Đưa ra những nhận xét, đánh giá về điểm mạnh, hạn chế, sự khác biệt và điểm tương đồng giữa các nghiên cứu.
  • Kết bài

Ở phần này, bạn hãy tổng kết những ý chính rút ra từ các tài liệu và nhấn mạnh ý nghĩa của chúng đối với nghiên cứu. Đồng thời, đưa ra một kết luận chung cho các ý chính đó.

Lưu ý: Literature Review đòi hỏi người viết sử dụng một lượng lớn thuật ngữ chuyên ngành, vốn có tính trừu tượng, phức tạp và tít được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày. Để ghi nhớ các thuật ngữ dễ dàng hơn, bạn có thể chọn cách lưu trữ chúng trên ứng dụng học từ vựng MochiVocab. MochiVocab cùng bạn học nhanh – nhớ lâu qua hai phần học và ôn. 

Với bước học, MochiVocab cung cấp hơn 20 khóa học thuộc đa dạng chủ đề và trình độ, trong đó bao gồm cả những chủ điểm cơ bản như từ vựng ẩm thực. Hơn 8000 từ vựng có sẵn được trình bày ở dạng flashcard sinh động gồm các thông tin cơ bản như từ tiếng Anh, nghĩa tiếng Việt, phiên âm, phát âm mẫu và câu ví dụ giúp bạn tiếp thu kiến thức một cách trực quan hơn.

Với bước ôn, MochiVocab áp dụng phương pháp học ôn ngắt quãng (spaced repetition) với hai tính năng chính:

  • Thời điểm vàng: Ứng dụng sẽ tính toán thời điểm ôn tập tối ưu cho từng từ vựng dựa trên lịch sử học tập của bạn. Cụ thể, MochiVocab sẽ xác định thời điểm bạn chuẩn bị quên từ mới để gửi thông báo nhắc bạn ôn tập. Phương pháp học này đã được khoa học chứng minh về khả năng giúp não ghi nhớ nhanh và lâu hơn nhiều lần so với các phương pháp truyền thống. 
  • 5 cấp độ từ vựng: Các từ vựng đã học sau đó sẽ được xếp theo 5 mức, tương ứng với 5 cấp độ ghi nhớ từ mới học cho đến ghi nhớ sâu. Dựa vào đây, MochiVocab sẽ phân bổ tần suất câu hỏi ôn tập thật hợp lý, đảm bảo bạn có thể tập trung hơn cho các từ vựng mà mình chưa nhớ. 

app mochivocab
5 cấp độ ghi nhớ
mochi thông báo

VI. Những lưu ý khi viết Literature Review

  • Tham khảo tài liệu từ các nguồn uy tín

Các bài viết trên blog, ý kiến cá nhân hay tin tức thông thường, đặc biệt là Wikipedia không phải là nguồn đáng tin vì thường mang tính chủ quan, chưa được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Do đó, để đảm bảo tính chính xác và khách quan, hãy ưu tiên các nguồn tài liệu đã được kiểm chứng như sách khoa học, sách giáo khoa, sách chuyên ngành, các bài báo hoặc bài nghiên cứu khoa học trên các tạp chí uy tín, các website có tài liệu học thuật,…

  • Nghiên cứu không có tính đột phá

Những nghiên cứu mang tính đột phá là những nghiên cứu đã tạo ra bước ngoặt, định hình lại một lĩnh vực nghiên cứu. Việc thiếu tính đột phá có thể do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là bạn chưa đủ sâu để nhận ra sự cấp thiết của chúng hoặc bạn chỉ tập trung vào các nghiên cứu mới nhất. Dấu hiệu của nghiên cứu đột phá là số lượng trích dẫn lớn. Các nghiên cứu được trích dẫn nhiều lần thường là những nghiên cứu có ảnh hưởng sâu rộng và được cộng đồng khoa học công nhận.

  • Nghiên cứu thiếu tính đương thời

Nghiên cứu thiếu tính đương thời là một vấn đề thường gặp trong các bài Literature Review. Vấn đề này có thể làm giảm giá trị của bài Literature Review và ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Để tránh tình trạng này bạn cần xác định rõ phạm vi và mục tiêu nghiên cứu, tìm kiếm những nguồn tài liệu phù hợp.

  • Literature Review không chỉ đơn thuần liệt kê và tóm tắt

Literature review không chỉ là một bản tóm tắt các nghiên cứu trước đó mà còn phải tổng hợp, phân tích, và đánh giá chúng một cách hệ thống, nhằm đưa ra cái nhìn toàn diện về vấn đề nghiên cứu. Từ đó nhận diện những điểm chung, điểm mạnh và những khoảng trống kiến thức còn tồn tại.

  • Nội dung không liên quan

Việc thêm thắt quá nhiều chi tiết ngoài lề sẽ làm cho bài Literature Review trở nên lan man, khó theo dõi. Để đảm bảo nội dung bài viết luôn đi đúng trọng tâm và duy trì được sự mạch lạc, bạn cần xác định rõ mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu.

  • Không được đạo văn

Đạo văn là một vấn đề nghiêm trọng trong nghiên cứu học thuật. Việc sử dụng ý tưởng, ngôn ngữ của người khác mà không trích dẫn đầy đủ sẽ vi phạm bản quyền và làm giảm tính xác thực của nghiên cứu. Vì vậy bạn nên lưu ý vấn đề này khi viết Literature Review.

Bài viết trên đã hướng dẫn bạn chi tiết cách viết một bài Literature Review. Việc viết một bài Literature Review đòi hỏi bạn phải có sự kiên trì, kỹ năng phân tích và khả năng tổng hợp thông tin. Hy vọng những kiến thức này có ích cho quá trình nghiên cứu của bạn.