Xây dựng lộ trình học là bước nền tảng quan trọng nhưng lại thường bị nhiều người bỏ qua khi tự học IELTS. Đây cũng là lý do phổ biến khiến nhiều bạn dễ rơi vào trạng thái hoang mang, mất phương hướng trong quá trình học. Việc xây dựng lộ trình từ đâu sẽ giúp bạn có thể xác định được phương pháp và tài liệu học phù hợp với năng lực hiện tại, điều kiện học và mục tiêu điểm số của bản thân. MochiMochi xin giới thiệu một lộ trình đạt 7.0 IELTS từ con số 0 để các bạn mới làm quen với IELTS có thể tham khảo.
Nội dung trong bài
- Đánh giá trình độ bản thân
- Xác định mục tiêu học IELTS
- Xây dựng lộ trình học IELTS
- Giai đoạn 1: Xây dựng nền tảng gốc
- Giai đoạn 2: Thành thạo 4 kỹ năng
- Giai đoạn 3: Nắm chắc các dạng bài IELTS
- Giai đoạn 4: Luyện đề IELTS
Đánh giá trình độ của bản thân
Việc đầu tiên bạn cần làm là xác định được đúng trình độ tiếng Anh của bản thân. Bạn có thể dựa vào điểm số trên lớp hoặc làm thử các bài kiểm tra miễn phí mô phỏng bài thi IELTS. Dựa trên kết quả đạt được, bạn sẽ nhận định rõ hơn điểm mạnh – yếu của mình, từ đó có kế hoạch phân bổ thời gian và nguồn lực hợp lý cho từng kỹ năng.
Việc xác định trình độ hiện tại còn giúp bạn đánh giá đúng hơn về mức độ khả thi của kế hoạch học. Từ đó, bạn có thể dễ dàng cân đối và điều chỉnh lại dự định của mình sao cho phù hợp nhất.
Xác định mục tiêu học IELTS
Rất nhiều người bắt đầu học IELTS mà không có một hình dung cụ thể về mục đích sử dụng bằng IELTS của mình. Một số người thậm chí chỉ đi thi theo phong trào số đông. Hệ quả của việc này là các bạn rất dễ đánh mất hứng thú và quyết tâm trong quá trình học, đặc biệt là những ai tự luyện tại nhà. Ngoài ra, việc ôn luyện IELTS mà không có mục đích cụ thể cũng sẽ là một sự lãng phí lớn vì chi chi phí ôn luyện và lệ phí thi không hề nhỏ.
Bạn cũng cần xác định mình sẽ làm bài thi IELTS Học thuật (IELTS Academic) hay IELTS Tổng quát (IELTS General Training). Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến lộ trình ôn luyện của bạn, vì cấu trúc của hai dạng đề có nhiều điểm khác biệt.
Ngoài việc đặt mục tiêu về số điểm chung, bạn có thể làm rõ hơn mục tiêu về điểm thành phần từng kỹ năng. Mục tiêu càng rõ ràng, bạn sẽ càng biết chính xác hơn mình cần xây dựng kế hoạch học tập như thế nào.
Xây dựng lộ trình học IELTS
Sau khi trả lời được hai câu hỏi kể trên, đây là lúc bạn tiến hành xây dựng lộ trình học phù hợp với bản thân. Để tránh rơi vào cảm giác choáng ngợp với khối lượng lớn kiến thức cần học, bạn nên chia nhỏ quá trình học thành nhiều giai đoạn nhỏ.
Bạn cũng nên đánh giá lại khả năng cam kết với việc học hiện tại của mình như thời gian học, điều kiện tài chính, v.v. Ví dụ, bạn mong muốn sẽ đạt được 7.0 IELTS trong 1 năm. Tuy nhiên, thực tế là bạn chỉ có thể dành tối đa 3 tiếng mỗi ngày cho việc học. Như vậy, kế hoạch của bạn sẽ khác so với những người cũng đặt mục tiêu trong 1 năm, nhưng có thể dành 6 – 7 tiếng mỗi ngày cho việc học ôn.
Với mỗi giai đoạn học, bạn cũng cần tham khảo và chọn ra những tài liệu học phù hợp với bản thân. Ví dụ, bạn đã sẵn sàng sử dụng các tài liệu học hoàn toàn bằng tiếng Anh, hay cần tài liệu học có chú thích tiếng Việt v.v. Số lượng cũng là một yếu tố cần lưu ý vì việc cùng lúc sử dụng quá nhiều nguồn tài liệu cũng là một sự lãng phí không cần thiết.
Ở bước này, bạn nên tham khảo thêm lời khuyên từ những người đã có kinh nghiệm trên các hội nhóm, từ đó tinh chỉnh và hoàn thiện lộ trình học sao cho tối ưu nhất.
Giai đoạn 1: Xây dựng nền tảng gốc
Trau dồi vốn từ vựng
Nếu học tiếng Anh giống như xây 1 ngôi nhà, thì từ vựng chính là những viên gạch cấu thành ngôi nhà đó. Một nền tảng từ vựng tốt là yếu tố tiên quyết giúp bạn thực hành tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết sau này.
Bạn có thể bắt đầu với những nguồn từ vựng cơ bản như sách “Check your vocabulary for IELTS”, “Vocabulary for IELTS” v.v.
Ngoài ra, những ứng dụng học từ vựng như MochiVocab sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực trong quá trình học từ vựng của bạn. MochiVocab cung cấp nguồn từ vựng IELTS chất lượng theo từng thang điểm giúp bạn tiết kiệm thời gian tự tìm kiếm và tổng hợp từ.
MochiVocab cũng sẽ thay bạn tính toán thời điểm thích hợp nhất để nhắc bạn ôn tập lại các từ vừa học. Khi ôn tập vào thời điểm phù hợp, khả năng ghi nhớ của não sẽ tăng lên đáng kể mà bạn lại tiêu tốn ít thời gian và công sức hơn. Việc học từ vựng với các ứng dụng như vậy vừa hiệu quả, vừa đem lại trải nghiệm học không nhàm chán như các phương pháp truyền thống.
Luyện phát âm
Một trong những điểm yếu lớn nhất của người Việt khi học tiếng Anh là kỹ năng nói. Điều này là hệ quả của sự tập trung quá mức vào ngữ pháp trong những năm học phổ thông. Ngoài ra, người học Việt Nam cũng chưa chú trọng vào việc học phát âm bài bản từ đầu, dẫn đến những tật phát âm sai rất khó sửa và khiến bạn mặc cảm khi phát âm hoặc nói tiếng Anh. Do đó, những bạn mới bắt đầu học IELTS cần học cách phát âm đúng ngay từ đầu. Hãy tìm hiểu kỹ bảng phát âm tiếng Anh IPA. Nắm chắc các quy tắc phát âm tiếng Anh chuẩn cũng giúp bạn rất nhiều trong quá trình học từ vựng sau này.
Bạn có thể kết hợp học phát âm trên từ điển IELTS của MochiMochi – đây là một công cụ thiết kế riêng cho người luyện thi IELTS. Trang web có kho 100,000 từ và cụm từ, với đầy đủ thông tin của từ vựng, gồm nghĩa, phát âm và ví dụ minh họa. Từ đó bạn sẽ hiểu cách dùng từ trong ngữ cảnh cụ thể. Ngoài ra, từ điển IELTS của MochiMochi cũng có sẵn bộ từ vựng IELTS Cambridge và bộ từ vựng theo band điểm, giúp bạn ghi nhớ từ dễ dàng và tăng khả năng áp dụng vào bài thi. Hiện từ điển IELTS cho phép người học sử dụng miễn phí và không có quảng cáo. Đây là một điểm cộng vượt trội của trang web, giúp bạn tập trung hoàn toàn vào việc học mà không bị gián đoạn bởi những yếu tố gây xao nhãng.
Luyện ngữ pháp
Trong “ngôi nhà” tiếng Anh, ngữ pháp chính là chất gắn kết những viên gạch từ vựng của bạn. Với những người mới bắt đầu, bạn cần nắm được như đơn vị kiến thức cơ bản như từ loại, số ít/số nhiều, các thì cơ bản, câu bị động v.v. Trước khi sử dụng hay, bạn cần học cách sử dụng đúng tiếng Anh. Do đó, ngữ pháp là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn cần nắm vững ngay từ đầu.
Giai đoạn 2: Thành thạo 4 kỹ năng
Khi đã nắm được 3 yếu tố cơ bản nêu trên, bạn đã sẵn sàng để bắt đầu làm quen với 4 kỹ năng trong bài thi IELTS là nghe, nói, đọc viết. Trước hết, bạn cần tìm hiểu tiêu chí cụ thể cho mỗi kỹ năng để đạt được mức điểm 7.0 mà bạn mong muốn.
Với những người mới bắt đầu, bạn chưa cần phải bắt tay vào ôn luyện theo các dạng bài IELTS luôn. Thay vào đó, bạn nên luyện từ những dạng bài tập đơn giản để hình thành phản xạ sử dụng tiếng Anh. Ví dụ, hãy bắt đầu hình thành thói quen nghe tiếng Anh mỗi ngày, viết nhật ký hoặc những câu chia sẻ ngắn trên mạng bằng tiếng Anh, đọc báo tiếng Anh và luyện nói trước gương v.v.
Kỹ năng nghe
Trong giai đoạn này, hãy cố gắng nghe bất cứ lúc nào có thể để luyện phản xạ nghe trước tiên: tranh thủ nghe khi đợi xe buýt hay trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể sử dụng thêm các ứng dụng, website được thiết kế cho từng kỹ năng như học nghe cùng Mochi Listening. Mochi Listening là khoá học nghe với lộ trình cá nhân hoá gồm 3 bước nghe sâu: Nghe bắt âm – Nghe vận dụng – Nghe chi tiết giúp bạn học nghe từ cơ bản đến nâng cao. Khi phản xạ nghe được cải thiện thì bạn cũng sẵn sàng để bắt đầu luyện nghe theo các dạng bài của IELTS hơn.
Kỹ năng nói
Nhiều người thường e ngại luyện nói vì không tìm được người luyện tập cùng. Thực tế là điều này vừa không cần thiết, lại chưa chắc đã hiệu quả như bạn nghĩ. Vì khi chưa có kinh nghiệm gì trong việc nói, bạn chắc chắn sẽ chưa đủ tự tin và bình tĩnh để nói chuyện với người khác. Điều này sẽ dễ khiến bạn tự ti và nản lòng vì không thể giao tiếp lưu loát với người khác. Do đó, trước hết là bạn nên tập nói thành tiếng với bản thân giống như bạn đang thực sự giao tiếp tiếng Anh với người khác.
Kỹ năng đọc
Trong giai đoạn lấy gốc này, bạn không cần thiết phải ép mình đọc những tài liệu dài bằng tiếng Anh. Một cách để đưa việc đọc vào cuộc sống hằng ngày là hãy theo dõi những tài khoản mạng xã hội tiếng Anh để đọc những đoạn chia sẻ ngắn của họ. Bạn cũng có thể đọc về những chủ đề mà mình yêu thích với từ vựng đơn giản, dễ hiểu trước.
Kỹ năng viết
Tập luyện kỹ năng viết bằng cách viết nhật ký, chia sẻ trên mạng xã hội bằng tiếng Anh là cách đơn giản. Đừng quên cố gắng áp dụng những từ mới mình vừa học vào kỹ năng này nhé. Ngoài ra, bạn cũng nên luyện tập kỹ năng thay đổi cách diễn đạt (paraphrase) để vừa rèn khả năng tư duy bằng tiếng Anh, vừa “ép” bản thân sử dụng linh hoạt và đa dạng các cấu trúc câu mình đã học nhé.
Giai đoạn 3: Nắm chắc các dạng bài IELTS
Một lỗi sai phổ biến của người học IELTS là vội vàng luyện đề khi chưa nắm chắc cấu trúc của đề thi và các dạng bài có thể gặp. Ở bước này, bạn nên tìm hiểu thật kỹ những thông tin: dạng bài của mỗi kỹ năng, kỹ thuật và chiến thuật làm bài, những lỗi sai dễ mắc phải, mẹo hoặc bí quyết để làm tốt v.v. Sau đó, hãy cố gắng ôn tập thật chắc từng dạng trước khi bắt đầu làm đề tổng hợp.
Bảy dạng đề thường gặp trong IELTS Reading:
- True/False/Not Given (Nhận định tính đúng sai của thông tin)
- Completion (Điền từ vào chỗ trống)
- Multiple Choice (Chọn câu trả lời đúng)
- Matching Headings (Chọn tựa đề cho mỗi đoạn)
- Matching Feature s (Nối thông tin)
- Short Answer (Trả lời câu hỏi)
- Completing Diagrams (Hoàn thành biểu đồ)
Bốn dạng đề thường gặp trong IELTS Listening:
- Multiple Choice Question (Chọn câu trả lời đúng)
- Short Answer (Câu hỏi ngắn)
- Sentence Completion – Summary Completion (Điền từ còn thiếu cho câu/đoạn)
- Table Completion (Điền từ phù hợp vào chỗ trống trong bảng)
Ba phần trong IELTS Speaking:
Phần 1: Trả lời những câu hỏi chung về bản thân, gia đình, quê hương, v.v.
Phần 2: Trình bày quan điểm về một chủ đề được yêu cầu
Phần 3: Hỏi – đáp rõ hơn về chủ đề ở phần 2
Hai phần của IELTS Writing
Task 1 – Academic: Mô tả các thông tin được cung cấp trong bảng, đồ thị, bản đồ hoặc biểu đồ
Task 2 – Academic: Viết bài luận trình bày quan điểm, lập luận của bản thân về một vấn đề xã hội
Task 1 – General: Viết lá thư đề nghị hoặc giải trình tình huống
Task 2 – General: Viết bài luận về một quan điểm cho trước
Giai đoạn 4: Luyện đề IELTS
Bạn chỉ nên bắt tay vào luyện đề tổng hợp khi đã nắm vững các dạng bài trong mỗi kỹ năng.
Trước khi làm đề, bạn nên lưu ý yêu cầu của đề bài như: số lượng từ cho phép cho mỗi đáp án, phân biệt T/G/NG hay Y/N/NG v.v. .. Đây là những thông tin nhỏ, nhưng có thể gây mất điểm đáng tiếc nếu bạn không chú ý làm đúng.
Ngoài ra, một số người cho rằng trong giai đoạn này thì luyện càng nhiều đề càng tốt. Nhưng đây là một quan điểm sai lầm khiến bạn lãng phí thời gian mà không ghi nhận được sự tiến bộ rõ rệt. Thay vì lao vào luyện quá nhiều đề mỗi ngày, bạn nên dành thời gian nghiên cứu kỹ từng đề sau khi hoàn thành, ghi chú lại các lỗi sai mà mình đã mắc phải và hệ thống các kiến thức, từ vựng mà mình học được từ mỗi đề. Như vậy, việc làm đề mới thực sự có hiệu quả. Bạn cũng nên lưu lại sự thay đổi về điểm số theo thời gian để có thêm động lực phấn đấu.
Bạn cũng nên thử sức làm đề với điều kiện thời gian và không gian giống như khi thi thật. Bạn thậm chí có thể chọn làm đề vào đúng khung giờ mà mình đã đăng ký thi để luyện cho não có thể tập trung hơn vào khung giờ đó.
Trên đây là lộ trình học IELTS cơ bản bạn có thể tham khảo để đạt được số điểm mong muốn. Việc học IELTS là một quá trình dài hơi và cần nhiều sự cố gắng, nên đừng vội nản lòng nếu bạn chưa thấy kết quả ngay nhé!